Cách chữa trị bệnh phù đầu gà hiệu quả

Bệnh phù đầu gà

1. Nguyên nhân

Bệnh gây ra do vi khuẩn Gram âm Haemophilus gallinarum. Vi khuẩn này không bền vững ở môi trường bên ngoài cơ thể động vật.

2. Động vật mẫn cảm

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt thường thấy nhất ở gà con từ 4 tuần tuổi trở lên.

3. Phương thức truyền lây

Bệnh có thể lây lan rất nhanh qua đường không khí hay trực tiếp qua tiếp xúc hoặc gián tiếp qua những chất thải của gà bệnh hay gà bài trùng; hoặc qua tiếp xúc với những phương tiện cơ giới và vật dụng chăn nuôi.

– Lây nhiễm từ những đàn gà bệnh sang đàn gà khỏe (do nhập đàn mới về hoặc di chuyển đàn tới nơi khác đã có mầm bệnh từ trước).

– Lây nhiễm qua môi trường chuồng trại, phân đã nhiễm mầm bệnh và con vật hít phải mầm bệnh.

– Lây qua thức ăn nước uống. Do những gà bệnh chảy dịch viêm từ mũi vào thức ăn, nước uống. Nguồn bệnh sẽ lây sang những con khác.

4. Triệu chứng

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt thường thấy nhất ở gà con từ 4 tuần tuổi trở lên với các triệu chứng đặc trưng như: chảy nước mũi, hen khò khè, mặt phù thũng, sưng đầu và hốc mắt, viêm kết mạc. Bệnh thường kéo dài 1- 2 tuần.

Sau thời gian ủ bệnh khoảng 2-10 ngày, gà bắt đầu thể hiện những triệu chứng như:

– Sưng đầu và sưng mặt (phù đầu hay mặt)

– Dịch viêm chảy ra từ mũi, lúc đầu trong sau đặc và đóng cục như mủ trắng, ấn tay vào thấy cứng, nhìn 2 bên mũi thấy phình to. Vậy nên gà mắc bệnh thường khó thở, hen khò khè và khi thở phải mở miệng. Lúc này, chúng ta nhận thấy đầu gà mắc bệnh rất giống “đầu cú”. Đây là dấu hiệu đặc biệt điển hình của bệnh phù đầu gà.

– Mắt bị viêm kết mạc dính 2 mí mắt lại không mở ra được hoặc chỉ mở được một phần. Do đó gà không ăn uống được và chết.

– Tỉ lệ gà mắc bệnh cao khoảng từ 40-70%, nhưng tỉ lệ chết thấp chỉ từ 5-10%. Tuy nhiên, khi có sự kết hợp các tác nhân gây bệnh khác như Mycoplasma gallisepticum, đậu gà, tụ huyết trùng bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn và tỉ lệ chết có thể lên tới 35-40%.

– Triệu chứng bệnh có thể kéo dài 2 tuần, khi gà khỏi bệnh sẽ tạo miễn dịch từ 2-3 tháng. Những gà khỏi bệnh tuy có miễn dịch nhưng lại mang trùng làm lây sang những đàn mới.

– Gà đẻ trứng có tỷ lệ đẻ giảm, nguyên nhân chính là do gà giảm ăn. Tỉ lệ đẻ trứng giảm từ 10-40%.

5. Bệnh tích

Gà chết nghi mắc bệnh phù đầu, mổ khám thường gặp các bệnh tích sau:

– Ổ viêm xoang mũi đôi khi có cục viêm bã đậu

– Các tổ chức dưới da, đặc biệt vùng đầu và tích bị phù thũng

– Viêm kết mạc mắt

– Viêm thanh quản, khí quản và đôi khi viêm phổi

Bệnh phù đầu ở gà cần được phân biệt với các bệnh sau: bệnh tụ huyết trùng mãn tính, đậu gà (có những hạt đậu dưới da ở vùng mặt), thiếu vitamin A (niêm mạc mắt, ruột, da và lông khô, sần sùi), viêm thanh khí quản truyền nhiễm, C.R.D – viêm hô hấp mãn tính (viêm phổi và viêm túi khí).

6. Chẩn đoán

– Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và bệnh tích trên đầu gà để xác định bệnh.

– Lấy bệnh phẩm dịch viêm để xét nghiệm và phân lập vi khuẩn.

– Cần phân biệt với bệnh sưng phù đầu ở gà hậu bị (Swollen head Syndrome) do virus gây ra (dùng kháng sinh không điều trị được bệnh do virus)

7. Phòng bệnh

Phòng bệnh bằng biện pháp quản lý và dinh dưỡng:

+ Áp dụng phương pháp quản lý cùng vào cùng ra

+ Tránh cho gà bệnh tiếp xúc với gà khỏe

+ Vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống định kỳ hàng tuần để giảm sự lây lan bệnh

+ Dùng kháng sinh có phổ khuẩn rộng trộn thức ăn, kết hợp với vitamin và khoáng chất hòa vào nước uống định kỳ, nhất là trong những giai đoạn gà bị stress hay thời tiết thay đổi để ngăn chặn hoặc tiêu diệt mầm bệnh.

Trong công tác phòng bệnh, cần đặc biệt lưu ý rằng khi khỏi bệnh tuy cơ thể con vật có tạo được miễn dịch nhưng chúng lại mang trùng, nên dễ gây bệnh cho những đàn nuôi sau. Vì vậy nếu không áp dụng quy trình cùng vào cùng ra thì ít nhất khi nhập đàn gà mới về cần lưu ý không nuôi chung với đàn cũ.

* Phòng bệnh bằng vacxin chết vô hoạt:

Hiện nay, thị trường cung cấp nhiều lựa chọn cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi có thể chọn vacxin đơn giá ngừa bệnh Coryza riêng hoặc loại vacxin đa giá ngừa 4 bệnh viêm phế quản truyền nhiễm, dịch tả, hội chứng giảm đẻ và hội chứng sưng phù đầu Coryza.

8. Trị bệnh

Vi khuẩn Haemophilus gallinarum nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh, ví dụ như Ampicillin, Stretomycin, kanamycin, Neomycin, Spiramycin, Tylosin… Người chăn nuôi có thể chọn sản phẩm pha thức ăn hoặc hòa nước uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời gian điều trị tốt nhất nên kéo dài ít nhất 5-7 ngày.

Sau khi ngừng dùng kháng sinh, cần sử dụng men probiotic thêm 7 ngày để đàn gà nhanh chóng phục hồi hệ vi sinh đường ruột và sức khoẻ nói chung.

1. Trại Giống Thu Hà 

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THU HÀ

Địa chỉ: Thôn 5, Xã Phù Vân, TP. Phủ Lý , Hà Nam.

Điện thoại: 0983.882.813 - 0941.771.563

Website: traigiongthuha.com

Trại giống Thu Hà là một trong những địa chỉ cung cấp con giống uy tín nhất Miền Bắc. Với đa dạng chủng loại và con giống bao gồm gà giống, vịt giống, ngan giống, ngỗng giống, chim trĩ, chim cút ... với nhiều chính sách và bảo hành tốt.