An toàn sinh học phòng bệnh cúm gia cầm cho các nông hộ chăn nuôi

Khử trùng chuồng trại

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, bệnh cúm H5N1 trên gia cầm đã bộc phát trở lại thậm chí đã có trường hợp gây tử vong trên người, khiến cho nhiều hộ chăn nuôi và người dân hết sức lo lắng trước nguy cơ lan rộng của dịch bệnh nguy hiểm này. Để chủ động phòng bệnh, ngoài biện pháp tiêm phòng  thì áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là một trong những biện pháp chủ động và có hiệu quả. Được tổng hợp từ các tài liệu của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), bài viết sau đây nhằm chia xẻ với bà con chăn nuôi đặc biệt đối với các nông hộ chăn nuôi nhỏ cách thức về chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

An toàn sinh học là gì?

An toàn sinh học là các biện pháp được áp dụng để ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa động vật và mầm bệnh.

An toàn sinh học là vấn đề thông thường, không cần phải chi phí nhiều tiền, chủ yếu là tạo nên những thói quen tốt diễn ra hàng ngày ở trại nuôi của nông hộ.

Nguyên tắc cơ bản của an toàn sinh học được áp dụng cho cả hộ chăn nuôi qui mô lớn và qui mô nhỏ.

Với các trại chăn nuôi gia cầm nhỏ, an toàn sinh học gồm có các biện pháp khác nhau, đơn giản và thường không tốn kém như:

– Ngăn chặn không cho mầm bệnh xâm nhập vào gia cầm.

– Giữ gia cầm không cho tiếp xúc với mầm bệnh.

Nếu không thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, chúng ta sẽ phải tốn thêm thời gian và chi phí để xử lý dịch bệnh khi xảy ra.

Làm gì để bảo vệ trang trại khi dịch bệnh chưa xảy ra trong tỉnh hoặc trong nước?

Hãy nghĩ rằng, bất cứ lúc nào cúm gia cầm cũng có thể xảy ra!

Với bệnh cúm gia cầm, hầu như lúc nào cũng có nguy cơ xảy ra. Khi chúng ta không nghe thấy thông báo có dịch xảy ra trong tỉnh hoặc trong nước thì không có nghĩa là đàn gia cầm được an toàn, đó chẳng qua tình hình dịch bệnh ở mức độ nguy cơ thấp hoặc trung bình. Còn khi chúng ta có thông báo về dịch cúm xảy ra ở các tỉnh lân cận, đó không có nghĩa là những chuồng nuôi xung quanh khu vực chăn nuôi của chúng ta vẫn chưa nhiễm bệnh. Gia cầm và con người có thể đã đi từ nơi nhiễm bệnh sang khu vực nhà chúng ta trước khi bệnh được phát hiện và công bố dịch.

Bằng cách tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản, trại chăn nuôi sẽ tránh được dịch bệnh. Những nguyên tắc đó là:

Nguyên tắc thứ nhất: Giữ đàn gia cầm trong điều kiện tốt.

Gia cầm được chăm sóc trong điều kiện tốt sẽ có sức chống đỡ tốt với bệnh tật. Cần phải:

– Cung cấp đầy đủ nước sạch và thức ăn.

– Chuồng trại và mật độ nuôi hợp lý.

– Phòng bệnh và tẩy giun sán định kỳ.

Nguyên tắc thứ hai: Giữ đàn gia cầm trong môi trường được bảo vệ.

Tốt nhất, nên nuôi gia cầm trong môi trường được bảo vệ.

Dưới đây là các phương thức nuôi được xếp loại theo mức độ an toàn sinh học từ cao đến thấp:

a)     Gia cầm luôn được giữ trong chuồng nuôi

b)    Nuôi thả có hàng rào bao quanh

c)     Nuôi thả tự do trong sân

d)    Nuôi thả tự do trong và ngoài sân

e)     Nuôi thả chạy đồng

Phương thức (a) tốt hơn nhiều để bảo vệ gia cầm so với phương thức (e), bởi vì nếu gia cầm luôn được nuôi nhốt trong chuồng thì sẽ hạn chế được sự tiếp xúc giữ gia cầm và con vật nhiễm bệnh hoặc vùng nhiễm bệnh hơn là chăn nuôi theo hình thức chăn thả tự do.

Nếu gia cầm được nuôi thả trên sân chuồng thì cần giữ mặt đất sạch sẽ.

Khi thấy gia cầm có biểu hiện bệnh ở một vài con, hãy bắt nhốt riêng vào lồng và nuôi cách ly chúng khỏi đàn gia cầm khỏe mạnh. Không cho tiếp xúc với bất cứ con vật nào khác.

Nguyên tắc thứ ba: Kiểm soát mọi thứ vào khu vực chăn nuôi.

Cái gì cần được kiểm soát?

– Tất cả mọi người vào khu vực chăn nuôi từ những vùng có gia cầm bệnh đều có thể mang theo mầm bệnh dính vào quần áo hay giày dép của họ: những  thành viên trong gia đình, bà con, hàng xóm đến thăm, thương lái đến mua bán, thú y viên đến phòng trị bệnh.

– Gà con, vịt con mới được mua về.

– Mua thức ăn, dụng cụ chăn nuôi.

– Cho xe đạp, xe máy… vào trong sân trại.

– Chó hoặc mèo mang xác động vật chết về trại.

– Mua phân bón từ những trại khác.

Chúng ta nên làm gì?

– Luôn nghĩ rằng chúng ta hoặc bất kỳ ai cũng có thể mang theo vi rút gây bệnh

– Giữ khách viếng thăm cách xa khu vực gia cầm đang sống hoặc đang ăn.

– Yêu cầu mọi người, nhất là thương lái để xe đạp, xe máy ở cổng khu vực chăn nuôi.

– Không cho phép người thương lái vào khu vực chuồng trại. Hãy đưa các con vật đến khu vực riêng nếu người thương lái muốn mua.

– Người nuôi nên tập thói quen rửa tay bằng xà bông trước và sau khi chăm sóc con vật, nên thay quần áo khi ra vào khu vực chăn nuôi.

– Nếu có thể: nên có xô, chậu đựng nước và xà bông tại cổng ra vào khu vực chăn nuôi để người ra vào làm sạch tay, giày dép trước khi vào chuồng nuôi; nên có dép hoặc ủng riêng cho khách để thay và đi vào trại.

– Nếu mua thêm gia cầm mới, nên nhốt trong khu vực cách ly ít nhất 2 tuần để không tiếp xúc với những con khác. Cho dù những con mới mua trông có vẻ khỏe mạnh, nhưng không ai biết chúng có mang mầm bệnh hay không. Nếu có thì không những chúng sẽ chết mà đàn gia cầm của trại chúng ta cũng có thể chết.

Làm gì để bảo vệ trang trại khi có dịch xảy ra trong nước hoặc trong tỉnh?

Đó là tình trạng nguy cơ cao!  Phải nghĩ rằng bệnh cúm gia cầm có thể đang ở rất gần!

Khi có công bố dịch cúm gia cầm trong nước hoặc trong tỉnh, có thể bệnh dịch đã đến rất gần trại của chúng ta. Gia cầm và con người có thể đã đi từ vùng dịch sang khu vực nhà chúng ta trước khi bệnh được phát hiện và công bố.

Bằng cách thực hiện một vài nguyên tắc cơ bản, trại của chúng ta sẽ không bị nhiễm bệnh. Những nguyên tắc đó là:

Nguyên tắc thứ nhất: Giữ đàn gia cầm trong môi trường kín.

– Khi dịch bệnh đến gần, việc thả tự do gia cầm sẽ rất nguy hiểm.

– Chuồng kín cho gia cầm vào ban đêm và hàng rào bao quanh để chăn thả ban ngày là điều cần thiết.

– Không thả vịt chạy đồng. Không thả gia cầm đi tự do. Nhốt gia cầm trong khu vực được bảo vệ: trong hàng rào, trong chuồng được bao quanh bằng lưới… đảm bảo cung cấp thức ăn và nước uống sạch.

Nguyên tắc thứ hai: Không mua hoặc nhập thêm gia cầm vào trại

– Không đưa vào thêm gia súc, gia cầm trong thời gian này vì khả năng mang vi rút rất cao.

– Không đem gia cầm sống về mổ thịt tại nhà, nếu phải làm thì nên mổ thịt gia cầm ở một nơi riêng biệt, tiện cho vệ sinh.

– Nếu mang gia cầm ra chợ bán không hết, khi mang về nên nhốt ở một nơi cách biệt.

Nguyên tắc thứ ba: Hạn chế và kiểm soát người vào trại

– Chỉ cho phép những thành viên trong gia đình vào trong khu chăn thả gia cầm.

– Mọi người, kể cả người trong nhà phải rửa tay bằng xà bông, rửa, sát trùng giày dép trước khi đi vào khu chăn nuôi.

Nguyên tắc thứ tư: Thường xuyên vệ sinh trại, chuồng, dụng cụ chăn nuôi, xe máy vào khu vực chăn thả

– Khu chăn thả gia cầm phải làm vệ sinh hàng ngày (mang khẩu trang khi làm vệ sinh).

– Gom phân, thức ăn thừa. Hủy hoặc chứa vào nơi cách biệt.

– Thường xuyên cọ rửa, sát trùng dụng cụ chăn nuôi

Nguyên tắc thứ năm: Chứa phân

– Vi rút có thể tồn tại trong phân nhiều tuần. Nếu chúng ta dùng phân bón ruộng quá sớm thì vi rút có thể nhiễm vào gia cầm

– Tác dụng của ủ phân:

Diệt vi khuẩn và vi rút

Tăng chất lượng của phân làm phân bón

– Phương pháp:

Thu gom phân gia cầm hàng ngày.

Chứa phân (cách xa nguồn nước) bằng một trong các cách sau: cho vào túi ni lông kín; để trên mặt đất và phủ túi ni lông; hoặc chôn sâu dưới đất.

Cho thêm ít vôi bột (1/2 kg cho 10 kg phân)

– Cần phải có thời gian cho phân hủy. Phân có thể sử dụng được khi có màu nâu sẫm, hết mùi hôi thối và có mùi như mùi mùn đất.

Làm gì khi trong trại có nhiều gia cầm chết?

Trong chăn nuôi gia cầm, một số ít gia cầm chết có thể là vấn đề thông thường. Gia cầm có thể chết do nhiều lý do và nhiều bệnh khác nhau. Một vài bệnh xảy ra chỉ làm ảnh hưởng ít đến vật nuôi, đó là bệnh không quan trọng. Cúm gia cầm thì khác: hậu quả sẽ rất xấu. Khi ta quan sát thấy có nhiều gia cầm chết thì nên nghĩ ngay đến cúm gia cầm.

Với bà con chăn nuôi, khó có thể chắc chắn rằng gia cầm chết là do cúm gia cầm. Nhưng lại cần phải xử lý ngay như là đối với bệnh cúm gia cầm. Do đó, người ta đặt ra “tỉ lệ chết nghi ngờ” đối với bệnh cúm gia cầm.

Tỉ lệ chết nghi ngờ là gì?

– Gia cầm chết đột ngột (gia cầm đang khỏe mạnh đột ngột chết trong vòng không đầy 24 tiếng).

– Tỉ lệ chết hàng ngày hơn 5% tổng đàn trong thời gian vài ngày.

Ví dụ như nếu trại của bà con chăn nuôi có 100 con gà, ngày đầu tiên có 6 con chết mà không có biểu hiện triệu chứng, ngày thứ 2 lại có 6 con chết, ngày thứ 3 là 8 con chết…

Khi bà con gặp tỉ lệ chết nghi ngờ trong trại: khi đó chỉ có phòng thí nghiệm mới có thể xác định chính xác đàn gà bị cúm hay không. Tuy nhiên, cần phải hành động ngay trước khi có kết quả xét nghiệm. Nếu cứ chờ kết quả xét nghiệm thì dịch sẽ không khống chế được.

Khi quan sát thấy trong trại có nhiều gia cầm chết như vậy, bà con nên thông báo cho nhân viên thú y.

Gà chết không có biểu hiện triệu chứng với “tỷ lệ chết nghi ngờ”.

Tại sao người dân phải thông báo cho nhân viên thú y?

Nhân viên thú y sẽ giúp hộ nuôi tiêu diệt vi rút trong trại và thực hiện ngay các biện pháp cần thiết:

– Để giảm nguy cơ mắc bệnh đối với người dân và thành viên trong gia đình.

– Để bắt đầu lại công việc chăn nuôi nhanh hơn.

– Để ngăn chặn bệnh lây lan sang trại bên cạnh.

Có thể người dân được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại từ nhà nước…

Tóm lại, cùng với biện pháp tiêm phòng, nếu tạo nên những thói quen tốt áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học tại nông hộ là một trong những biện pháp chủ động, không cần phải chi phí nhiều tiền và rất có hiệu quả trong việc phòng bệnh

1. Trại Giống Thu Hà 

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THU HÀ

Địa chỉ: Thôn 5, Xã Phù Vân, TP. Phủ Lý , Hà Nam.

Điện thoại: 0983.882.813 - 0941.771.563

Website: traigiongthuha.com

Trại giống Thu Hà là một trong những địa chỉ cung cấp con giống uy tín nhất Miền Bắc. Với đa dạng chủng loại và con giống bao gồm gà giống, vịt giống, ngan giống, ngỗng giống, chim trĩ, chim cút ... với nhiều chính sách và bảo hành tốt.