Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học

Nuôi vịt an toàn sinh học

Nhờ mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, vợ chồng ông Võ Phát Nì và bà Dương Thị Kiềng (ngụ ấp 4, xã An Phong, H.Thanh Bình, Đồng Tháp) thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chuyển hướng nuôi an toàn
Bà Kiềng cho biết gia đình bà từng có hơn 20 năm nuôi vịt chạy đồng nhưng vẫn nghèo, bởi tốn nhiều nhân công, không kiểm soát được dịch bệnh, vịt hao hụt nhiều, chất lượng trứng thấp bán không được giá… Đầu năm 2016, được nông dân trong nghề tư vấn đầu tư trang trại nuôi vịt đẻ an toàn sinh học nên gia đình bà quyết tâm làm theo.
Để chuẩn bị hành trang cho việc chuyển đổi cách nuôi, vợ chồng bà Kiềng đã đi khắp nơi tìm mô hình, học tập kinh nghiệm và nhờ chuyên gia hướng dẫn cách tổ chức mô hình… “Lúc đầu cũng khó khăn do đã quen cách nuôi cũ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tìm hiểu kỹ tôi thấy nhiều năm qua nghề chăn nuôi gặp không ít khó khăn, giá sản phẩm bán ra thấp trong khi giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh gia cầm diễn biến hết sức phức tạp. Nếu cứ nuôi nhỏ lẻ theo truyền thống sẽ không đảm bảo ổn định. Phải làm ăn lớn, bài bản thì mới mong đổi đời”, bà Kiềng nói.

Sau khi tìm hiểu kỹ, ông Nì và bà Kiềng đã đầu tư biến 8.000 m2 đất ruộng của gia đình thành trang trại nuôi vịt an toàn sinh học. Với số tiền tích lũy và vay mượn, bước đầu ông bà xây dựng chuồng trại, lót gạch nền, xung quanh bao lưới B40, xây dựng sân phơi, bể tắm, hệ thống nước tắm và hệ thống máng ăn cho vịt. Sau khi hoàn thành trang trại, ông bà chọn giống vịt tốt về nuôi. Theo bà Kiềng, nuôi vịt theo hướng này tỷ lệ hao hụt rất thấp, vịt khỏe, ít bệnh, chất lượng trứng cao hơn so với chạy đồng rất nhiều. “Đặc biệt có thể kiểm soát tốt tình hình bệnh cúm gia cầm, không tốn nhiều công chăm sóc, quản lý và không lo lắng chuyện tìm thức ăn chạy đồng”, bà Kiềng nói.
Bà Kiềng cho biết đàn vịt được bà nhốt trong trang trại và phân loại theo độ tuổi để dễ quản lý; cho ăn thức ăn công nghiệp, nước uống được cung cấp là nước sạch, vệ sinh chuồng trại 2 lần/ngày, vịt được cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ. Vịt sau 5 tháng thả nuôi thì bắt đầu cho trứng và vịt sau 7 tháng sẽ cho trứng chất lượng và ổn định.
Lời tiền triệu mỗi ngày
Theo bà Kiềng, vịt sau 1,5 – 2 năm cho trứng sẽ bắt đầu tuyển chọn bán vịt thịt, vì lúc này chất lượng trứng bị giảm, thay vào bằng thế hệ vịt mới. Vịt thịt được bán cho thương lái với giá từ 40.000 – 50.000 đồng/con (nặng 1,7 – 1,8 kg/con). Song song đó, bà còn xây dựng 1 ao rộng hơn 1.000 m2 thả nuôi các loại cá trê, sặc rằn để tận dụng thức ăn thừa của vịt, vừa không gây ô nhiễm môi trường xung quanh và có thêm thu nhập.
Hiện tại, trang trại vịt của vợ chồng bà Kiềng có hơn 11.000 con vịt, mỗi ngày cho hơn 10.000 trứng vịt sạch cung ứng cho thị trường TP.HCM với giá 1.700 đồng/trứng, cao hơn trứng vịt chạy đồng từ 100 – 140 đồng/trứng. Thời điểm giá cao trứng vịt tại trang trại có giá từ 2.300 – 2.500 đồng/trứng. Theo thống kê của gia đình bà Kiềng, bình quân 400 trứng vịt của gia đình bà nặng từ 28 – 29 kg, cao hơn so với vịt chạy đồng từ 4 – 5 kg. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ngày gia đình bà lời hơn 2,7 triệu đồng từ tiền bán trứng vịt. Bà Kiềng cho biết bà sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 1 trang trại nuôi theo hướng an toàn sinh học rộng 5.000 m2 với 5.000 con vịt sinh sản. Đồng thời, đăng ký để được cấp giấy chứng nhận vịt an toàn, đầu tư các phương tiện khác để mở rộng và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là mua chiếc xe tải để chở trứng vịt giao cho các đầu mối tại TP.HCM.

1. Trại Giống Thu Hà 

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THU HÀ

Địa chỉ: Thôn 5, Xã Phù Vân, TP. Phủ Lý , Hà Nam.

Điện thoại: 0983.882.813 - 0941.771.563

Website: traigiongthuha.com

Trại giống Thu Hà là một trong những địa chỉ cung cấp con giống uy tín nhất Miền Bắc. Với đa dạng chủng loại và con giống bao gồm gà giống, vịt giống, ngan giống, ngỗng giống, chim trĩ, chim cút ... với nhiều chính sách và bảo hành tốt.