Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều thanh niên nông thôn đã ngày càng thể hiện vai trò của mình, năng động, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng kiến thức khoa học- kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nhằm vươn lên bằng nghị lực để phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Thanh niên Hồ Văn Châu ở ấp Mỹ Tân, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long là một trong những điển hình như thế.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, là con út trong gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn anh Châu phải nghỉ học sớm để đến tân Bình Dương làm công nhân. Bao tháng ngày lao động vất vả nơi xứ lạ quê người nhưng thu nhập cũng chẳng bao nhiêu để gửi về quê phụ giúp gia đình. Anh Châu nghĩ rằng, đi đâu cũng không bằng quê nhà, nơi tuổi thơ của mình đã gắng bó với ruộng vườn. Rời Bình Dương, anh trở về quê hương lập thân, lập nghiệp. Ngoài hơn 10 công đất ruộng canh tác lúa 2 vụ của cha mẹ giao, khi xong việc đồng áng cũng chẳng có thêm việc gì làm nên anh nghĩ đến chuyện chăn nuôi để không lãng phí thời gian nhàn rổi. Năm 2012, anh Châu mua vài con ngỗng con của người dân ở địa phương về nuôi, với ý định là nuôi lớn để ăn thịt. Thế nhưng, càng nuôi càng mê, đến nay đàn ngỗng của anh đã nhân lên gần 200 con, chủ yếu là ngỗng mái đẻ. Từ đàn ngỗng này đã tạo cho gia đình anh có thêm nguồn thu nhập ổn định mỗi năm gần 100 triệu đồng. Anh Châu chia sẻ: “ Ngỗng là loài gia cầm có khả năng tăng trọng nhanh, chỉ sau 10- 11 tuần nuôi khối lượng cơ thể đã tăng gấp 40- 45 lần so với khối lượng cơ thể lúc mới nở. Với ngỗng khi được nuôi bằng thức ăn hỗn hợp thì tốc độ lớn rất nhanh, song nếu nguồn thức ăn chỉ là cỏ, rau xanh…do ngỗng tự tìm kiếm hoặc cho ăn hạn chế thì ngỗng vẫn phát triển và cho sản phẩm một cách bình thường. Tuy nhiên thời gian cho sản phẩm thịt sẽ bị chậm lại. Đối với mô hình nuôi ngỗng của anh Châu, ngoài việc cho ăn bổ sung thức ăn hỗn hợp và lúa; anh còn vớt lục bình trên các sông rạch về cho ngỗng ăn, đồng thời anh còn tranh thủ thời gian lùa ngỗng ra đồng ăn lúa rơi vải sau khi thu hoạch”.
Nhờ tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẳn có nên mô hình nuôi ngỗng của anh Châu hạn chế được chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận kinh tế. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ ngỗng thịt và ngỗng con không đáp ứng đủ cho thị trường. Bình quân mỗi kg ngỗng thịt trên thị trường có giá dao động 70.000đ và ngỗng con là 75.000đ một con. Bằng kinh nghiệm nhiều năm nuôi ngỗng, được tập huấn về kiến thức chăn nuôi thú y và học hỏi thêm kỹ thuật trên phương tiên thông tin đại chúng nên đàn ngỗng của gia đình anh phát triển rất tốt, khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại theo định kỳ và vắc-xin phòng bệnh đảm bảo. Chính vì vậy mà mô hình ngỗng thịt và ngỗng con của gia đình anh được nhiều người biết đến tìm mua. Ngoài mô hình nuôi ngỗng, làm ruộng, anh Châu còn đầu tư xây dựng lò ấp trứng bằng cách mua trứng vịt tươi về ấp trứng vịt lộn và vịt con để bán, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập kinh tế gia đình.
Ở cái tuổi 30, nhưng anh Hồ Văn Châu người thanh niên trẻ tuổi ở ấp Mỹ Tân, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long đã có nhiều nghị lực vươn lên làm giàu. Đây thật sự là tấm gương tiêu biểu của thanh niên Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh trên mặt trận phát triển kinh tế nông thôn.