Long An là tỉnh có thế mạnh về chăn nuôi vịt, trong đó nuôi vịt ”chạy đồng” là một phương thức chăn nuôi truyền thống. Tuy nhiên, theo thời gian cách nuôi nầy dần thể hiện các mặt hạn chế do những thay đổi về thời vụ trồng lúa và nhất là do tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm H5 N1. Do đó, mô hình nuôi vịt tập trung, chăn thả trên diện hẹp và kết hợp với các yếu tố sản xuất khác theo hệ thống VAC dần dần phát triển thay thế.
Long An là tỉnh có thế mạnh về chăn nuôi vịt, trong đó nuôi vịt ”chạy đồng” là một phương thức chăn nuôi truyền thống. Tuy nhiên, theo thời gian cách nuôi nầy dần thể hiện các mặt hạn chế do những thay đổi về thời vụ trồng lúa và nhất là do tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm H5 N1. Do đó, mô hình nuôi vịt tập trung, chăn thả trên diện hẹp và kết hợp với các yếu tố sản xuất khác theo hệ thống VAC dần dần phát triển thay thế.
Một trong những điển hình theo xu hướng chuyển đổi nầy là trường hợp của ông Hồ Đình Mạng ở ấp Bình Sơn, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, Long An. Sau hơn 10 năm theo nghề nuôi vịt chạy đồng đến khoảng năm 1995 – 1996, ông chuyển phần ruộng trồng lúa năng suất thấp sang đào ao nuôi cá và đắp nền nuôi vịt thịt thâm canh. Trong đó, diện tích dành cho chăn nuôi được khoảng 1.500 m2, bao quanh là bốn ao nuôi cá có diện tích gấp đôi.
Với diện tích nêu trên, ông có thể nuôi mỗi đợt vịt thịt khoảng 5.000 – 10.000 con . Tuy nhiên, thời gian sau nầy nhằm tăng cường kiểm soát, phòng chống bệnh bệnh cúm gia cầm nên ông chỉ nuôi thâm canh từng đợt khoảng 1.500 – 2.000 con và hàng năm chỉ nuôi khoảng 3 đợt thay vì nuôi liên tục như các năm trước. Ngoài ra, kinh nghiệm riêng của ông là việc bố trí các vụ nuôi cũng cần tính toán để không trùng với thời điểm rộ vịt nuôi chạy đồng, tránh tình trạng giá mua bị giảm. Khoảng thời gian trống giữa các đợt nuôi khoảng 1,5 tháng ông tập trung làm vệ sinh, xử lý thuốc sát trùng cũng như vét ao, phơi đất.
Song song với biện pháp cách ly rộng các đợt nuôi, việc chủng ngừa thật đầy đủ các loại dịch bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng tốt là các yếu tố đảm bảo đàn vịt của ông có tỷ lệ hao hụt rất thấp. Đồng thời, để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế, thường ông đều chuẩn bị trữ sẳn nguồn thức ăn lúa, cám để phối hợp với thức ăn công nghiệp nên giảm được một phần chi phí. Với giống vịt siêu thịt CV Super M, thường mỗi đợt nuôi kéo dài trong khoảng 70 ngày, tỉ lệ nuôi sống bình quân 95% và trọng lượng bình quân vịt xuất chuồng đạt từ 3,2 – 3,5 kg /con ; theo ông nếu đạt năng suất đó thì giá thành vịt xuất chuồng xấp xỉ 90.000 đồng/con. Với mức chi nầy thì theo thời giá lúc bán nếu không thuận thì cũng không bị lỗ, còn nếu được giá thì lợi nhuận rất đáng kể.
Về phần nuôi cá, nguồn thức ăn chủ yếu là chất thải từ chăn nuôi vịt và phần còn lại là một ít thức ăn mua thêm mà việc hạch toán cho thấy cứ gần hai năm ông bán một đợt cá tra có lời gần 100 triệu đồng.
Khi đề cập về yếu tố quyết định kết quả sản xuất, ông Mạng nhấn mạnh yếu tố tích lũy kinh nghiệm riêng và thường xuyên tiếp cận thông tin kỹ thuật, thị trường để ứng dụng là rất quan trọng. Đồng thời, trong điều kiện nông hộ thì không nên chăn nuôi đơn lẽ mà cần kết hợp để khai thác nhiều yếu tố sản xuất khác trên đất ruộng, đất thổ để giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nhất là khi giá cả nông sản có những lúc không ổn định thì sự bổ sung qua lại của hệ thống sản xuất kết hợp nầy càng có ý nghĩa.