Mô hình nuôi vịt biển thương phẩm theo hướng an toàn sinh học được triển khai nuôi ở ấp Ngã Bát, xã Tây Yên A; ấp Rạch Rốc, xã Tây Yên và ấp Ba Biển, xã Nam Yên, huyện An Biên với 15 hộ nuôi, mỗi hộ nuôi 200 con. Tham gia mô hình này, nông dân được nhà nước hỗ trợ 60% tiền con giống, 30% tiền thức ăn, phần còn lại nông dân tự đầu tư.
Nhờ chọn con giống đạt tiêu chuẩn, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu tiêm chủng đầy đủ nên đàn vịt nuôi theo hướng an toàn sinh học ở huyện An Biên đều phát triển tốt, không bị dịch bệnh, nuôi mau lớn và có khả năng cho lợi nhuận cao hơn so với bà con nuôi giống vịt ở địa phương.
Theo bà Trần Thị Huệ, ngụ ấp Ngã Bát, xã Tây Yên A, nuôi vịt biển phát triển tốt, qua gần 3 tháng nuôi, mỗi con vịt cân nặng gần 3 kg, với giá bán 45.000 đồng/kg nên có lãi nhiều hơn so với nuôi vịt giống địa phương trước đây.
Kết quả ở một số hộ nuôi vịt biển thương phẩm theo hướng an toàn sinh học ở huyện An Biên cho thấy, giống vịt này thích nghi tốt trong điều kiện chăn nuôi ở địa phương, khả năng tăng trọng nhanh với môi trường nước mặn, nước lợ. Vịt ở giai đoạn nhỏ hao hụt thấp, tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất bán đạt trên 90%. Trung bình mỗi hộ nuôi theo mô hình này trong 3 tháng cho lợi nhuận hơn 5,3 triệu đồng.
Nhận thấy nuôi vịt biển thương phẩm theo hướng an toàn sinh học dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều bà con ở địa phương sẽ nuôi tiếp đợt hai để góp phần giải quyết lao động nông nhàn và tăng tu nhập kinh tế cho gia đình.
Theo kỹ sư Lê Hồng Sinh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện An Biên, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, việc chọn nuôi gia cầm phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết. Trên cơ sở kết quả đạt được từ mô hình nuôi vịt biển thích nghi được với môi trường nước mặn, thời gian tới Trạm Khuyến nông huyện An Biên tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình nuôi vịt biển ở địa phương.
Nuôi gia cầm nói chung và mô hình nuôi vịt biển thương phẩm theo hướng an toàn sinh học là một phương thức nuôi tiên tiến và là đối tượng nuôi mới, đòi hỏi bà con nông dân phải chọn xây chuồng phù hợp, chọn mua con giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật. Với khả năng thích nghi cao ở vùng ven biển khi nguồn nước ngọt, nước lợ khan hiếm vào mùa khô, thì việc nuôi vịt biển sẽ giúp cho bà con nông dân ở địa phương có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Không chỉ các hộ ven biển huyện An Biên nuôi thành công, mà ngay huyện đảo Kiên Hải giống vịt này cũng đã thích nghi được với vùng biển.
Gần năm tháng qua, với nhiều cố gắng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Kiên Hải bước đầu nuôi đàn vịt biển 505 con thành công. Đàn vịt biển đang phát triển tốt, trọng lượng gần 3 kg/con.
Đàn vịt biển do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tặng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kiên Hải tháng 4/2017, vận chuyển từ máy bay từ Hà Nội đến thành phố Cần Thơ, sau đó chuyển xuống thành phố Rạch Giá và xuống tàu ra Hòn Tre, huyện Kiên Hải. Những ngày đầu vịt con mới được đưa về, Trạm khuyến nông huyện Kiên Hải cử cán bộ đến theo dõi, chăm sóc, tiêm phòng để phòng bệnh và cho vịt bước đầu thích nghi với môi trường vùng biển đảo, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc, kiểm tra đàn vịt.
Đại úy Trương Văn Kha, Trưởng Ban Hậu cần – Kỹ thuật, Ban Chỉ huy quân sự huyện Kiên Hải trực tiếp theo dõi, cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị chăm sóc, che chắn chuồng trại, rải trấu xuống nền đất, thắp đèn ban đêm và thay nhau thức canh… chuột.
Hàng ngày, lúc vịt còn nhỏ được cho thức ăn công nghiệp; đến tuần thứ 6 trở đi cho ăn lúa, cây chuối, cá biển, rau băm nhỏ trộn với cám. Đại úy Trương Văn Kha cho biết, vịt biển ăn khỏe, bén hơi người chăm sóc, hiện đã thích nghi với môi trường sống trên biển.
Theo thiếu tá Phạm Quang Trí, Phó Bí thư Đảng ủy quân sự, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Kiên Hải, vịt biển có khả năng thích nghi cao môi trường nước mặn, sức chống chịu cao với thời tiết khắc nghiệt hơn vịt đồng. Mặc dù, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chăm sóc đàn vịt rất kỹ nhưng bị hao dụt 14 con. Đơn vị rất hy vọng vào đàn vịt biển này cung cấp nguồn thực phẩm, góp phần cải thiện cho bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ. Thời gian tới, khi vịt đẻ, đơn vị sẽ thử cho ấp nở. Nếu nhân giống thành công, đàn vịt biển sẽ góp phần phục vụ nhân dân trên đảo.
Hiện nay, đảo Hòn Tre có mưa to, sóng lớn nên Ban Chỉ huy quân sự Kiên Hải chỉ cho vịt quanh quẩn trong chuồng lưới bao, phòng vịt bị sóng đánh dập vào đá sẽ bị chết. Cán bộ, chiến sĩ chăm chút cho đàn vịt rất kỹ lưỡng và hy vọng thời gian tới, sẽ nhân đàn thành công.